Trong nước

12 tỷ đồng tu bổ di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

  • Tác giả : Hoàng Nam- Hoa Linh Lan
Sáng nay 18/1/2024, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam đã khởi công xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Công trình là sản phẩm thiết kế của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào; có ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Sau khi hoàn thành công trình sẽ là một bảo tàng báo chí Việt Bắc thu nhỏ, đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng làm báo cùng người dân địa phương.

Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Khu vực Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng xưa kia hiện nay phần lớn nằm dưới lòng Hồ Núi Cốc, một phần còn lại nằm trên địa phận của xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ.

Ngày 4/4/2019, Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và khánh thành bia Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được tổ chức.

Di tích được xây dựng trên diện tích 858,9 m2, gồm 3 đơn nguyên chính, mô phỏng, phục dựng các hạng mục của di tích lịch sử, phù hợp với mục tiêu trong phạm vi quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, hài hòa về không gian, kiến trúc, cảnh quan và bảo đảm tính bền vững, bảo tồn lịch sử lâu dài.

Đơn nguyên nhà Tổng bộ Việt Minh phỏng dựng, xây mới theo kiến trúc nhà sàn truyền thống, hoàn toàn bằng gỗ, rộng khoảng 186 m2.

Phối cảnh di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Phối cảnh di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đơn nguyên Nhà dạy học làm báo 2 tầng, phỏng dựng được xây mới trên cơ sở thiết kế theo hình ảnh tư liệu… Nhà bia, tường rào, cổng, nhà bảo vệ… đều được làm mới, vật liệu chất lượng cao. Dự án được khái toán khoảng 12 tỷ đồng…

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành kịp phục vụ kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2025) và 75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Được biết: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thành lập năm 1949, vào dịp kỷ niệm 70 năm (4/4/2019), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, cho phép dựng bia tại địa điểm nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Di tích này được xem là cuối cùng trong hàng loạt địa chỉ đỏ của báo chí kháng chiến tại Việt Bắc.

Các tài liệu để lại cho thấy: Bước sang thế kỷ XXI thì tất cả các địa điểm liên quan đến báo chí, phát thanh, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh… ra đời hoặc từng ở trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp ở ATK Thái Nguyên đều làm xong, duy chỉ có một địa chỉ Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 là để đó...

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là do Bác Hồ đặt tên bởi cụ Huỳnh là cây đa, cây đề của báo chí yêu nước và cách mạng. Cụ Huỳnh sinh cuối năm 1876 ở làng Thanh Bình, Tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Cụ nổi danh vì đất Quảng Nam thời ấy có tam hùng (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phạm Liệu).

Hoàng Nam- Hoa Linh Lan

BẢN DESKTOP