Vấn đề - Sự kiện

12 học sinh ngộ độc, cơ sở vi phạm bị xử lý thế nào?

  • Tác giả : Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Việc 12 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi ở tỉnh Khánh Hòa nhập viện sau khi ăn tại quán vỉa hè gần trường, khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?

Ngày 30/3, 12 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi bị ngộ độc thực phẩm, phải điều trị tại cơ sở y tế. Các học sinh đều có triệu chứng lâm sàng chính đau bụng, tiêu chảy, sốt, buồn nôn…, được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, những học sinh này bị ngộ thực phẩm từ thức ăn đường phố, mua tại cổng trường. Cơ quan chức năng xác định được cơ sở kinh doanh, tuy nhiên không lấy được mẫu thức ăn để giám định.

Học sinh bị ngộ độc sau khi ăn thức ăn trước cổng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi.

Học sinh bị ngộ độc sau khi ăn thức ăn trước cổng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi.

Dưới góc độ pháp lý, căn cứ lời khai của chủ cơ sở kinh doanh, học sinh và kết quả giám định, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị cung cấp thực phẩm và làm rõ việc mua thực phẩm, chế biến, bảo quản các loại thực phẩm này được thực hiện như thế nào?

Trường hợp cơ sở kinh doanh này không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy tính chất mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguồn gốc thực phẩm, việc bảo quản, chế biến và kinh doanh thực phẩm này được thực hiện thế nào. Làm rõ hậu quả mà hoạt động kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây ra đối với học sinh để xử lý tổ chức, cá nhân liên quan, theo quy định của pháp luật.

Việc không lưu giữ mẫu thực phẩm, không thu giữ được mẫu thực phẩm không phải cơ sở, căn cứ để thoái thác trách nhiệm pháp lý. Căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, lời khai của chủ kinh doanh, nạn nhân và học sinh, trích xuất dữ liệu camera là chứng cứ để xác định nguồn gốc thực phẩm gây ra ngộ độc từ đâu, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài trách nhiệm pháp lý mà cơ sở, người kinh doanh phải chịu do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, người vi phạm về an toàn thực phẩm gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, các chi phí khác phát sinh, bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Qua vụ việc này, cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh hàng rong, kinh doanh tại các cổng trường học để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho các em học sinh.

Nhà trường có thể tăng cường biện pháp kiểm soát, tổ chức căng tin để kiểm soát tốt hơn về nhu cầu cung cấp thực phẩm và những nhu yếu phẩm cho học sinh, tránh vụ việc tương tự xảy ra.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

BẢN DESKTOP