Thời sự

10 tuổi bị đột quỵ: làm thế nào để phát hiện và xử trí kịp thời?

  • Tác giả : Thúy Nga
Đang chơi thì bé bị đau đầu, méo miệng, lơ mơ, nói khó... và được chẩn đoán đột quỵ. Đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp vậy phát hiện sớm và xử lý như thế nào cho đúng?

Các bác sĩ Khoa Đột Quỵ Bệnh Viện Đà Nẵng thực hiện cấp cứu khẩn ngay trong đêm cứu bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Bệnh nhi Nguyễn N.H. (SN 2013, ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhập cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người phải, không nói được. Người nhà cho biết, khi đang chơi cùng bé thì bé nói đau đầu, sau đó méo miệng, lơ mơ, nói khó nên đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Tại Phòng cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ tiến hành chụp CT sau đó hội chẩn khẩn với các bác sĩ khoa Đột quỵ.

Đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp, bệnh nhi vào viện có tình trạng yếu nửa người phải tiến triển đến liệt hoàn toàn và rối loạn tri giác, chỉ may mắn duy nhất là gia đình biết thông tin về bệnh đột quỵ nên đưa cháu nhanh chóng đến bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian vàng.

Chính vì vậy các bác sĩ đột quỵ đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ “đặc biệt” nhất để huy động sự hỗ trợ của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch não, nhân viên xét nghiệm của bệnh viện để làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết cho chẩn đoán bệnh.

Bé 10 tuổi bị đột quỵ đã hồi phục sau điều trị

Bé 10 tuổi bị đột quỵ đã hồi phục sau điều trị

Đồng thời hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại thành phố Hồ Chí Minh ngay trong đêm để chẩn đoán chính xác và quyết định điều trị cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết với hy vọng cứu sống bệnh nhi.

ThS.BS. Phạm Như Thông, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi bị đột quỵ như vậy chưa từng gặp tại Bệnh viện Đà Nẵng. Việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro vì có thể có thêm biến chứng, cũng như có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến tương lai của cháu.

May mắn bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực. Hiện tại bệnh nhân đã xuất viện và đi học trở lại sau gần một tháng nằm viện.

Bác sĩ Thông cho biết thêm, qua trường hợp này cho thấy đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu xảy ra ở người trẻ hoặc trẻ nhỏ, hậu quả có thể rất nặng nề do di chứng cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.

Đối với những trường hợp bệnh nhi có bất thường về tim mạch hoặc có rối loạn đông máu là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột quỵ cần được quan tâm lưu ý hơn.

Đối với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như là khả năng phục hồi của bệnh nhân. Vì vậy, người nhà bệnh nhân cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ: BE FAST để nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ.

B (BALANCE): mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt

E (EYESIGHT): mất thị lực 1 phần/hoàn toàn, tầm nhìn bị mờ đột ngột

F (FACE): gương mặt tự nhiên bị méo, nụ cười méo 1 bên, nhân trung lệch

A (ARM): một bên tay chân yếu, cầm nắm đồ không chắc

S (SPEECH): mất khả năng nói, đột nhiên nói khó, nói ngọng

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời" Bác sĩ Thông khuyến cáo

Thúy Nga

BẢN DESKTOP