Y học và đời sống

10 sự kiện nổi bật của Ngành Y tế TP HCM trong năm 2024

  • Tác giả : Bảo Châu
Ngày 23/12, Sở Y tế TP HCM đã công bố 10 sự kiện y tế nổi bật trong năm 2024.

Dưới đây là 10 sự kiện y tế nổi bật trong năm 2024 của TP HCM:

1. Chủ động công bố dịch và ban hành kế hoạch phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố giúp kiểm soát được dịch bệnh

Trước tình hình nguồn cung ứng vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn vào những tháng đầu năm 2023, và kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng trên địa bàn thành phố cho thấy chỉ có 86% trẻ em từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi có miễn dịch với bệnh sởi, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cần thiết là 95%, Ngành y tế Thành phố đã dự báo nguy cơ bùng phát dịch sởi trên địa bàn thành phố trong năm 2024.

Với dự báo này, Sở y tế đã chủ động tham mưu UBNDTP công bố dịch sởi và ban hành kế hoạch phòng chống bệnh sởi, điều này đã giúp Thành phố chủ động kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát lan rộng của dịch sởi.

Ngay sau khi công bố dịch, Ngành y tế đã nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi. Kết quả là từ ngày 31/8/2024 đến hết 19/12/2024, đã có 197.818 trẻ từ 1 đến 10 tuổi được tiêm bù 01 mũi vắc xin sởi, đạt tỷ lệ 100% số trẻ chưa tiêm đủ được tiêm bổ sung.

Cho đến nay, về cơ bản dịch sởi trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát và khống chế, dịch bệnh không bùng phát lan rộng trong cộng đồng. Hiện tại, Ngành Y tế Thành phố tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin phòng dịch sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi hướng đến mục tiêu sớm công bố hết dịch.

2. Chuyển đổi phương thức đấu thầu thuốc từ riêng lẻ sang đấu thầu gộp cho tuyến y tế cơ sở nhằm đáp ứng đủ cơ số thuốc cho trạm y tế

Cơ số thuốc cho trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố đã được nâng lên 292 mặt hàng vào những tháng cuối năm 2024 - Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Cơ số thuốc cho trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố đã được nâng lên 292 mặt hàng vào những tháng cuối năm 2024 - Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Trước đây, việc cung ứng thuốc cho trạm y tế phường, xã do các trung tâm y tế quận, huyện đảm trách thông qua đấu thầu thuốc riêng lẻ của từng trung tâm theo dúng quy định. Tuy nhiên, kết quả đấu thầu thuốc cho y tế cơ sở thường rất hạn chế, số cơ số thuốc cung ứng cho trạm y tế thường rất ít chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế của cả người dân và các y bác sĩ công tác tại y tế cơ sở.

Trước thực trạng trên, ngay từ khi Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, được sự chấp thuận của UBNDTP, Sở Y tế đã chủ động chuyển đổi phương thức cung ứng thuốc từ đấu thầu riêng lẻ sang đấu thầu gộp cho tuyến y tế cơ sở nhằm tăng cường năng lực cung ứng thuốc cho trạm y tế.

Với tinh thần chia sẻ trách nhiệm với y tế cơ sở, lần đầu tiên các dược sĩ và nhân viên của các bệnh viện thành phố đã tham gia hoạt động đấu thầu thuốc cho y tế cơ sở, kết quả là tổng số cơ số thuốc cho trạm y tế đã được nâng lên 292 mặt hàng, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

3. Mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng được hình thành với 14.403 thành viên, góp phần triển khai hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng trên địa bàn thành phố

Trong năm 2024, Sở Y tế TP HCM đã tập trung triển khai Đề án “Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng” được ban hành tại Quyết định số 5632/QĐ-UBND ngày 02/12/2023 của UBNDTP và Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của HĐNDTP quy định về mức chi hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP HCM.

Tính đến ngày 13/12/2024, mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng đã hình thành với 14.403 thành viên, đạt 89,90% theo kế hoạch, tổng số cộng tác viên dự kiến đến năm 2025 là 16.022 người. Các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đã được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố tập huấn những kiến thức và kỹ năng cơ bản về cách phòng ngừa những bệnh thường gặp, phòng chống dịch,… và công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ.

Bước đầu, các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng đã tham gia tích cực vận động các hộ gia đình hưởng ứng việc đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin sởi, vận động người cao tuổi tham gia chương trình khám sức khoẻ giúp phát hiện sớm các bệnh mạn tính không lây để được chăm sóc và quản lý bệnh. Có thể khẳng định mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng thật sự đóng vai trò là “cánh tay nối dài” của trạm y tế phường, xã giúp triển khai hiệu quả công tác y tế cộng đồng.

4. TP HCM triển khai Đề án “Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”

Vận chuyển người bệnh cấp cứu bằng đường hàng không là một trong những hoạt động cấp cứu mang tính chuyên nghiệp có trong Đề án (Ảnh: Các y, bác sĩ của BV Quân Y 175 vận chuyển bệnh nhân cấp cứu bằng máy bay trực thăng) - Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Vận chuyển người bệnh cấp cứu bằng đường hàng không là một trong những hoạt động cấp cứu mang tính chuyên nghiệp có trong Đề án (Ảnh: Các y, bác sĩ của BV Quân Y 175 vận chuyển bệnh nhân cấp cứu bằng máy bay trực thăng) - Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Năm 2014, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM được thành lập và đi vào hoạt động, cùng với sự tham gia tích cực của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, các trạm cấp cứu vệ tinh được hình thành và bao phủ hầu hết địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Sau 10 năm hoạt động, mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện của thành phố đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác sơ, cấp cứu khi người dân không may bị tai nạn hoặc mắc bệnh nặng ở môi trường bên ngoài bệnh viện, kịp thời đưa người bệnh đến bệnh viện chữa trị.

Cùng với loại hình nhân viên y tế mới đã được xác định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đó là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện, trong năm 2024, UBNDTP đã ban hành Quyết định số 912/QĐ-UBND ngày 26/3/2024 về phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến 2030 và những năm tiếp theo”, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Ngành y tế Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động từ việc quy hoạch, phát triển thêm các trung tâm cấp cứu 115, các trạm cấp cứu vệ tinh đến đa dạng hoá các loại hình, phương tiện cấp cứu và nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tiếp nhận cuộc gọi, tư vấn từ xa, điều phối mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh,… góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố.

5. Triển khai thành công kỹ thuật thông tim can thiệp cho bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh do chính các y bác sĩ của thành phố thực hiện

Năm 2024 là cột mốc quan trọng về sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu của Ngành Y tế Thành phố trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ bào thai. Lần đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, kỹ thuật thông tim can thiệp cho thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh đã được triển khai thành công ngay trong bụng mẹ do các y, bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 phối hợp thực hiện.

Đã có 05 trường hợp được can thiệp thành công, nếu không can thiệp sớm trong giai đoạn bào thai thì khả năng cao thai nhi sẽ mất trong bụng mẹ, còn nếu giải quyết cho sinh ra ngay thì thai nhi sẽ mất ngay sau sinh, trước thách thức đó, các chuyên gia của 2 bệnh viện Từ Dũ và Nhi Đồng 1 đã chủ động phối hợp sẵn sàng cho triển khai thông tim can thiệp bào thai bán khẩn nhằm cứu sống thai nhi ngay trong bụng mẹ.

Hai bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ từ lên kế hoạch chi tiết, sẵn sàng ê kíp chuyên gia với hơn 15 y, bác sĩ thuộc 5 chuyên khoa khác nhau bao gồm sản, nhi sơ sinh, gây mê hồi sức, tim mạch và chẩn đoán hình ảnh.

Lần đầu tiên kỹ thuật thông tim can thiệp bào thai được thực hiện bởi chính đội ngũ chuyên gia của Ngành y tế Thành phố với kết quả ngoạn mục, thai nhi sau đó được sinh ra và phát triển khoẻ mạnh.

6. Lần đầu tiên trên cả nước, 02 bệnh viện công lập của TP HCM đạt chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện do 2 tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận

Đó là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu Huyết học. Hai bệnh viện này vừa được Tổ chức Australian Council on Healthcare Standards International của Úc và Tổ chức Joint Commission International của Hoa Kỳ thẩm định và công nhận, đây là 02 tổ chức đánh giá chất lượng y tế có uy tín trên thế giới.

Như vậy, sau hơn 10 năm phấn đấu cải thiện chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, đây là lần đầu tiên trên phạm vi cả nước, 02 bệnh viện công lập của Thành phố đã tiếp cận và đạt chứng nhận chất lượng quốc tế.

7. Ra mắt Cổng tra cứu hành nghề y, dược của Sở Y tế TP HCM

Trên cơ sở dữ liệu sẵn có về quản lý ngành y tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như dữ liệu hành nghề y, dược, dữ liệu danh mục kỹ thuật, dữ liệu đánh giá chất lượng, xử phạt vi phạm hành chính, chứng nhận GSP, quảng cáo lĩnh vực khám chữa bệnh và quảng cáo mỹ phẩm,… ý tưởng xây dựng một ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu sẵn có như trên nhằm phục vụ công tác quản lý ngành, ngoài ra còn giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về các cơ sở khám, chữa bệnh khi có nhu cầu đã thành hiện thực.

Cổng tra cứu hành nghề y, dược của Sở Y tế TP HCM bước đầu phát huy hiệu quả, trở thành công cụ tra cứu thiết thực không chỉ cho người dân khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin về các cơ sở khám, chữa bệnh mà còn là công cụ hữu ích trong công tác quản lý ngành.

Cụ thể là, khi nghi ngờ một quảng cáo liên quan đến sức khoẻ trên không gian mạng, thanh tra Sở chỉ cần tra cứu vào Cổng là biết được các thông tin chính thức về cơ sở hành nghề, người hành nghề thay vì phải mất thời gian chờ các phòng chức năng cung cấp thông tin như trước đây.

8. Ký kết hợp tác phát triển giữa Sở Y tế TP HCM với 31 Sở y tế tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên Hải miền Trung

Năm 2024, Ngành y tế Thành phố tiếp tục mở rộng ký kết hợp tác toàn diện với Sở Y tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, quản lý y tế, và đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện Thành phố và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trong khu vực.

Thông qua ký kết hợp tác, các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giữa các Sở Y tế các tỉnh thành đã diễn ra, tập trung vào các chủ đề đang được quan tâm hiện nay như phòng chống dịch sốt xuất huyết, sởi, nâng cao năng lực y tế cơ sở và chuyển đổi số trong quản lý y tế, các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồn, tăng cường hợp tác chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ toàn diện giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm cấp cứu 115 trong vùng…

Ngoài ra, thông qua ký kết hợp tác để tạo sự đồng thuận trong triển khai các giải pháp giúp giải quyết những vấn đề nóng, những thách thức trong công tác chăm sóc sức khoẻ, cụ thể như trong năm 2024, các Sở y tế đã ký kết đồng thuận về các giải pháp phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư theo quy mô vùng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho người bệnh ung thư trong khu vực.

9. Đã có 1,111,107 sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID thay cho sổ khám bệnh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “...Sau năm 2025 mỗi người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ Bảo hiểm y tế đều sở hữu một Sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám chữa bệnh có bệnh án điện tử....”, Ngành Y tế Thành phố triển khai thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tất cả cơ sở khám chữa bệnh.

Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID và mỗi cơ sở khám, chữa bệnh phải là điểm tuyên truyền, hướng dẫn người dân kết nối và sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử khi đi khám bệnh. Đồng thời, phát động đợt cao điểm 55 ngày đêm toàn Ngành y tế triển khai hiệu quả của Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Đến nay, 100% các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn có phát sinh dữ liệu đã thực hiện chuyển dữ liệu theo quy định, các cơ sở chuyển dữ liệu đạt tỷ lệ liên thông là 97,57%. Tính đến ngày 13/12/2024, Thành phố đã có 1.111.107 Sổ sức khỏe điện tử, 22.408 giấy chuyển tuyến, 253.737 giấy hẹn khám lại tích hợp trên VNeID.

10. 52 sản phẩm y tế thông minh tham gia bình chọn Giải thưởng Thành tựu Y khoa lần thứ V

Hưởng ứng chủ đề năm của Thành phố, ngay từ đầu năm 2024, Ngành y tế đã phát động bình chọn Giải thưởng Thành tựu Y khoa lần thứ V chủ đề “Y tế thông minh”.

Ngày 21/11/2024, Ban tổ chức bình chọn Giải thưởng Thành tựu Y khoa lần thứ V đã chính thức giới thiệu 52 sản phẩm “Y tế thông minh” đến từ 28 bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố. Các sản phẩm rất phong phú và sáng tạo và tính ứng dụng cao trên nhiều lĩnh vực: chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, nội khoa, sản khoa, nhi khoa, robot, các ứng dụng chuyển đổi số phục vụ người bệnh, phục vụ công tác quản lý bệnh viện, quản lý ngành,… Đây là dịp để giới thiệu các sản phẩm sáng tạo và công nghệ tiên tiến trong Ngành y tế, đặc biệt là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0 nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao năng lực quản lý y tế.

Bảo Châu

BẢN DESKTOP