Gia đình mới

1 người lớn tử vong do sởi, cách phát hiện sớm biến chứng

  • Tác giả : ThS.BS Trần Thu Nguyệt
Một bệnh nhân nam đã tử vong do biến chứng của bệnh sởi sau 2 tuần hồi sức tích cực tại tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh sởi ở người lớn rất quan trọng để ngăn chặn biến chứng và sự lây lan.

Triệu chứng ban đầu không điển hình, dễ chẩn đoán nhầm

Virus sởi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, nhân lên tại tế bào biểu mô đường hô hấp và ở các hạch bạch huyết lân cận, sau đó đi vào máu. Thời gian ủ bệnh của sởi khoảng 12-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Trong giai đoạn ủ bệnh, các dấu hiệu bệnh sởi không xuất hiện.

Bệnh sởi ở người lớn có triệu chứng ban đầu không điển hình, dễ nhầm lẫn với một số bệnh viêm đường hô hấp khác. Các triệu chứng ban đầu của sởi khá giống với cảm lạnh thông thường, bao gồm: sốt nhẹ hoặc sốt vừa, mệt mỏi, chán ăn, đau họng, ho khan, ho không có đờm, chảy mũi, viêm kết mạc mắt (đỏ mắt), sợ ánh sáng (trở nên nhạy cảm với ánh sáng)…; nên dễ bị bỏ qua chẩn đoán sớm.

Một dấu hiệu đặc trưng trong giai đoạn đầu là sự xuất hiện của những đốm nội ban (hạt Koplik) khoảng 2-3 ngày sau khi sốt, vị trí ở niêm mạc má, phía trong miệng (trên niêm mạc miệng) và gần răng hàm.

Đây là những đốm trắng nhỏ, li ti, có viền đỏ, là dấu hiệu đặc trưng, gần như chỉ có ở bệnh sởi, giúp phân biệt với các bệnh khác. Xung quanh hạt Koplik thường xuất hiện xung huyết. Các hạt Koplik thường biến mất rất nhanh, chỉ trong vòng 12-24 giờ, do vậy cần chú ý phát hiện ngay trong những ngày đầu có sốt.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn ca sởi người lớn biến chứng - Ảnh BVCC

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn ca sởi người lớn biến chứng - Ảnh BVCC

Chú ý biến chứng khi ban lặn

Phát ban là triệu chứng điển hình nhất của bệnh sởi, bắt đầu từ 3 đến 5 ngày sau khi các triệu chứng ban đầu xuất hiện. Ban sởi thường có dạng dát sẩn, gồ trên bề mặt da, có màu đỏ hoặc hồng, nhỏ li ti, có thể mọc thành mảng lớn, không gây đau, không hoặc ít ngứa, không mưng mủ.

Đặc trưng của ban sởi là mọc tuần tự trên da theo thứ tự: từ đầu, mặt, cổ sau đó đến ngực, lưng, bụng, mông và tứ chi. Khi ban sởi mọc đến chân cũng là lúc người bệnh hết sốt, ban bắt đầu lặn dần.

Khi ban lặn, một số trường hợp sẽ để lại vết thâm trên da, bong tróc da nhẹ hay còn được gọi là dấu hiệu “vằn da hổ”. Đây cũng là một trong những đặc trưng của ban sởi.

Trong giai đoạn ban lặn, các triệu chứng toàn thân như sốt cao có thể tiếp tục hoặc tăng lên, điều này có thể gây ra sự mệt mỏi nghiêm trọng ở người bệnh hoặc xuất hiện các biến chứng nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng.

Người lớn mắc sởi thường có nguy cơ gặp phải các biến chứng cao hơn so với trẻ em, do đó cần theo dõi chặt chẽ.

Ngoài các triệu chứng điển hình đã nêu, sởi có thể đi kèm với các triệu chứng khác như đau cơ và khớp, buồn nôn, tiêu chảy...

Với những người lớn có hệ miễn dịch suy yếu hoặc có các bệnh lý nền, sởi có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não hay viêm tai giữa. Những biến chứng này không chỉ đe dọa tính mạng mà còn có thể để lại di chứng lâu dài.

Bệnh nhân mắc sởi biến chứng nguy kịch tại Bệnh viện Bạch Mai - ảnh BVCC

Bệnh nhân mắc sởi biến chứng nguy kịch tại Bệnh viện Bạch Mai - ảnh BVCC

40% người bệnh sởi gặp biến chứng

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị sởi tập trung vào điều trị triệu chứng kết hợp cùng chăm sóc và theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi, bệnh nhân cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người mắc sởi cần tuân theo các hướng dẫn của ngành y tế, bao gồm cách ly với người xung quanh để tránh lây cho cộng đồng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Có đến 40% người bệnh sởi gặp biến chứng, thường xảy ra ở người lớn trên 20 tuổi, người suy giảm miễn dịch, người suy dinh dưỡng.

Các biến chứng thường gặp của sởi có thể kể đến như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não. Các biến chứng này có thể kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng khiến người bệnh suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng lại là tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh. Đây là vòng luẩn quẩn của bệnh sởi.

Biến chứng tai – mũi – họng và vùng khoang miệng: viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai, viêm xương chũm, viêm niêm mạc miệng (ở giai đoạn đầu của sởi, thường hết cùng với ban hoặc ở giai đoạn muộn do bội nhiễm).

Biến chứng đường hô hấp: viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm thanh quản, thường xuất hiện sau hoặc cuối giai đoạn mọc ban và thường là do bội nhiễm.

Viêm phổi: virus sởi có thể nhiễm trùng xâm lấn vào phổi, dẫn đến viêm phổi. Mắc sởi khiến miễn dịch hô hấp suy giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập và tấn công, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thứ phát, bội nhiễm, gây ra viêm phổi. Viêm phổi thường xuất hiện muộn, sau hoặc đồng thời trong khi phát ban.

Viêm loét giác mạc: thường gặp nhất ở người suy dinh dưỡng hoặc thiếu vitamin A, từ loét gây mờ giác mạc, hỏng toàn bộ giác mạc cho đến làm mủ trong nhãn cầu, có khả năng làm giảm thị lực dẫn đến mù vĩnh viễn.

Viêm não, màng não, viêm tủy cấp: ước tính biến chứng viêm não xảy ra ở khoảng 1-2/1.000 trường hợp mắc sởi; là biến chứng nguy hiểm, có khả năng tử vong cao với triệu chứng khởi phát đột ngột. Người bệnh sốt cao đột ngột, có thể co giật, rối loạn ý thức, liệt nửa người hoặc một bên chi, liệt dây thần kinh số 3 và 7 (liệt vận nhãn).

Ở phụ nữ mang thai, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu, trẻ nhẹ cân.

Cách phòng ngừa bệnh sởi

Để phòng ngừa bệnh sởi ở người lớn cần cách ly và hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.

Nếu tiếp xúc cần rửa tay và sát khuẩn sạch sẽ ngay sau đó. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi làm việc. Nếu sởi bùng phát tại khu vực đang sinh sống, người dân cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Tiêm vắc xin phòng sởi đủ mũi, đúng lịch là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh. Tất cả trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm vắc xin sởi theo khuyến cáo của ngành y tế.

ThS.BS Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam)

ThS.BS Trần Thu Nguyệt

BẢN DESKTOP