Thời sự

1 đêm 5 ca nhồi máu cơ tim, nhồi máu não: Phòng tránh thế nào?

  • Tác giả : Thúy Nga
Trong 1 đêm giáp Tết đã có 5 ca nhập viện do nhồi máu cơ tim, nhồi máu não nên người dân cần chú ý phòng tránh khi Tết đến, Xuân về.

Rạng sáng 28 Tết Giáp Thìn, Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 đã can thiệp thành công và cứu sống 5 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và nhồi máu não. Các bác sĩ tiến hành can thiệp bằng phương pháp nội mạch.

Cấp cứu 2 ca nhồi máu cơ tim

19h05: Đêm trực ngày 6/2, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận hai bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

Một bệnh nhân nam 67 tuổi (Bắc Ninh) vào Bệnh viện TWQĐ 108 với tình trạng đau ngực trái dữ dội, trước đó bệnh nhân nhập viện đa khoa tỉnh với chẩn đoán nhồi máu cơ tim và có tình trạng tụt huyết áp, nhịp chậm, tình trạng nguy kịch, ngay sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108.

Tại Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu chụp mạch vành qua da và đặt stent tái thông động mạch vành thủ phạm gây nhồi máu cơ tim.

21h23: Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam (53 tuổi, Bắc Ninh) vào Bệnh viện TWQĐ 108 với biểu hiện đau ngực dữ dội. Ngay lập tức, kíp trực lên kế hoạch tiến hành thông tim can thiệp đặt stent để mở rộng lòng mạch vành.

Ngay sau can thiệp huyết động, cả hai bệnh nhân huyết động ổn định, hết đau ngực, triệu chứng cải thiện ngay trên bàn can thiệp.

1 đêm 5 ca nhồi máu cơ tim, nhồi máu não: Phòng tránh thế nào? ảnh 1 1 đêm 5 ca nhồi máu cơ tim, nhồi máu não: Phòng tránh thế nào? ảnh 2

Và 3 ca nhồi máu não…

Tiếp đó, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán và Can thiệp mạch tiếp nhận ca nhồi máu não. Sau đó, đến 1h, 3h20, 5h10 sáng 7/2, cứ 2 tiếng kíp trực liên tiếp nhận và xử trí các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não với tổn thương và vị trí phức tạp.

1h: Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam 70 tuổi (quê Thanh Hóa) vào viện vào giờ thứ 7 của bệnh với tình trạng nói khó, rối loạn nuốt, buồn nôn và tình trạng ý thức suy giảm nhanh, kíp đột quỵ đã được báo động và chẩn đoán bệnh nhân có một tình trạng nhồi máu não cấp tắc động mạch đốt sống thân nền, với dự đoán tiên lượng bệnh nhân sẽ tiến triển nhanh và rất nặng nề.

Bệnh nhân được can thiệp hút huyết khối toàn bộ hệ động mạch đốt sống thân nền não sau và đặt stent động mạch đốt sống bên phải. Sau can thiệp bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện TWQĐ 108.

Kíp trực can thiệp và xử trí các trường hợp bệnh nhân nhồi máu nãoKíp trực can thiệp và xử trí các trường hợp bệnh nhân nhồi máu não

3h20: Đêm trực tiếp tục với một trường hợp điển hình của nhồi máu não là bệnh nhân nam 84 tuổi (Nam Định), vào viện trong tình trạng nói khó, ý thức suy giảm nhanh, liệt ½ người trái giờ thứ 7. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não tắc đỉnh động mạch thân nền. Sau đó, bệnh nhân được can thiệp hút huyết khối tái lập lưu thông mạch não.

5h10: Ca nhồi máu não thứ 3 là bệnh nhân nam (79 tuổi, Hà Nam) vào viện lơ mơ, liệt hoàn toàn 1/2 người phải. Các bác sĩ tiến hành tái thông động mạch não bằng dụng cụ cơ học ở những bệnh nhân nhồi máu não. Đây là một phương pháp can thiệp nội mạch ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả và có thể triển khai một cách nhanh chóng ở những bệnh nhân có chỉ định để rút ngắn thời gian thiếu máu não tăng cơ hội hồi phục của bệnh nhân.

Với phương pháp này, người bệnh không cần phải trải qua ca phẫu thuật nhưng vẫn điều trị được những tổn thương phức tạp ở mạch máu não một cách ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả, phương pháp này cũng cần được triển khai với những bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong can thiệp mạch thần kinh.

1 đêm 5 ca nhồi máu cơ tim, nhồi máu não: Phòng tránh thế nào? ảnh 4 1 đêm 5 ca nhồi máu cơ tim, nhồi máu não: Phòng tránh thế nào? ảnh 5

Trước và sau can thiệp bệnh nhân nhồi máu não

Theo ThS.BS Phạm Minh Tuấn, Khoa Chẩn đoán và can thiệp mạch, Bệnh viện TWQĐ 108, đột quỵ não và nhồi máu cơ tim là những bệnh lý vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phòng ngừa bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu, như kiểm soát tốt các bệnh lý nền: Rung nhĩ, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… và cần đến ngay các trung tâm y tế khi có những triệu chứng bất thường như nói khó, yếu liệt, rối loạn ý thức, đau tức ngực…. để được chẩn đoán, xử trí kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.

Với tình trạng thời tiết cực đoan và thay đổi thất thường như thời gian gần đây cũng là một yếu tố nguy cơ gây gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ não và nhồi máu cơ tim, vì vậy những dân cần chú ý giữ ấm, tránh thay đổi nhiệt đột ngột và tuân thủ tốt hướng dẫn cũng như đơn thuốc điều trị của bác sĩ.

Bí quyết ngăn ngừa đột quỵ trong mùa lạnh

Thời tiết lạnh có thể làm co các mạch máu, làm tăng áp lực lên mạch máu và dẫn đến tăng huyết áp, từ đó dẫn đến xuất huyết não – nguyên nhân đột quỵ phổ biến. Hơn thế nữa, khi trời lạnh, cơ thể sản xuất nhiều hồng cầu lẫn tiểu cầu, làm cho máu vón cục và hình thành máu đông, dẫn đến đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não.

Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Cụ thể, ở Miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12. Tại Miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều như phía bắc, trong 3 tháng này số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30-50 % tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.

Khi thức dậy, việc ra khỏi chăn/giường/phòng ngủ đều là những thời điểm biến đổi nhiệt độ môi trường, cần lưu ý thay đổi từ từ tránh chênh lệch nhiệt độ quá nhiều và đột ngột.

Ngoài ra, thời điểm thức dậy, cơ thể vẫn trong trạng thái nghỉ ngơi, chưa thích nghi với các hoạt động, hệ tuần hoàn hoạt động với công suất thấp, nếu thức dậy quá nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp. Bạn cần lưu ý thực hiện một số hành động ngay sau khi thức giấc để đảm bảo an toàn.

Sau khi thức giấc, bạn nằm trên giường trong khoảng 5 phút, hít thở, cử động nhẹ nhàng như duỗi tay chân giúp tăng dần tốc độ lưu thông máu để cơ thể thích nghi an toàn. Sau đó, bạn chậm rãi đứng dậy, ra khỏi giường trong lúc đó tranh thủ vận động hai tay một cách nhịp nhàng trong vài phút để khởi động cơ thể với cường độ cao hơn chút nữa. Việc thức dậy từ từ còn góp phần hạn chế trượt ngã ở người già.

Nên mở cửa phòng từ từ, đứng tránh một bên để phòng gió lạnh thổi vào người đột ngột, sau khi mở cửa nên đứng gần cửa khởi động thêm ít phút với động tác nhẹ rồi tiến dần ra ngoài. Người cao tuổi nên duy trì thói quen này vào buổi sáng để có sức khoẻ ổn định, tránh những nguy cơ đáng tiếc.

Cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ qua FAST

FACE: Mặt có cảm giác tê cứng, khi cười 1 bên mặt bị lệch, cười méo miệng, rối loạn thị lực.

ARM: Tay và chân tê mỏi hoặc không nâng được tay, chân 1 bên.

SPEECH: Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.

TIME: Bạn cần gọi cấp cứu đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ não càng nhanh càng tốt.

Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên ( lệch mặt, yếu tay chân, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay không trì hoãn. Khung giờ vàng để có kết quả điều trị tốt nhất là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc đột quỵ.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP